Thua lỗ đến mức từng cầm cố nhà cửa, anh Nguyễn Quang Duy, 42 tuổi, vẫn kiên trì theo đuổi, đến nay mỗi tháng thu về 6 tỷ đồng từ rong nho, lãi gần hai tỷ đồng.
Những ngày đầu tháng 8, anh Duy (ngụ TP Nha Trang) đi kiểm tra toàn bộ khu vực chế biến rong nho. Ở khu xưởng rộng 8.000 m2, gần 100 công nhân tất bật làm việc, khâu chăm sóc cho đến khâu chế biến được phân chia rõ ràng. Rong nho được nuôi ở hàng chục bể lớn, được phun sương và sục nước liên tục.
Rong nho (tên khoa học Caulerpa lentillifera) là loại tảo biển, được ví như “trứng cá hồi xanh” của Nhật Bản, có chất dinh dưỡng cao, du nhập vào Việt Nam từ năm 2004. Hơn 10 năm trước, khi làm quản lý dược cho một công ty ở Nha Trang, anh Duy nghỉ việc chuyển sang trồng loài thực vật này. Ban đầu, ý định của anh bị mọi người trong gia đình phản đối vì mặt hàng này quá mới mẻ, xa lạ.
Năm 2012, anh Duy đầu tư thử nghiệm 3 ha với sản lượng 2,5 tấn mỗi ha ở xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa). Anh chủ động liên kết với nhiều đơn vị nuôi khác, học hỏi những người có chuyên môn tại các trường đại học ở TP HCM, công ty ở Nhật Bản để tìm ra công thức chuẩn cho nuôi trồng và chế biến. Sau nhiều lần thử nghiệm đã có thành công, rong nho phát triển tốt hơn mong đợi.
Tuy nhiên, người dân chưa biết đến nhiều về rong nho nên việc kinh doanh thua lỗ, đầu ra nhỏ giọt. Anh phải đi qua nhiều nước như Mỹ, Nhật tìm kiếm thị trường quốc tế, còn ở trong nước thì thuê các công ty truyền thông làm quảng cáo trên các nền tảng số, với mong muốn nhiều người Việt Nam biết đến lợi ích dinh dưỡng mà sản phẩm rong nho mang lại.
Trong lần đầu tiên công ty đưa lô hàng hơn một tỷ đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên sản phẩm rong nho bị đối tác trả về vì thời gian vận chuyển lâu, dẫn đến hư hỏng, phải tiêu hủy hàng. Sau lô hàng này, anh Duy phải đem nhà đi cầm cố để có vốn tiếp tục duy trì sản xuất. Thậm chí anh còn bỏ kinh phí đi sang Nhật để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe của thị trường quốc tế.
Theo anh, rong nho là nông sản mới nên không có tiêu chuẩn về nuôi và chế biến, chủ yếu quản lý về hàm lượng và an toàn thực phẩm, môi trường nuôi không được sử dụng hoá chất. “Đây là một loại rau sạch”, ông nói và cho biết sản phẩm rong nho có thời gian bảo quản khá ngắn, từ 2-3 tháng. Để sản phẩm có thời gian bảo quản lâu dài hơn chi có cách “hạn chế tạp chất và vi khuẩn”.
Năm 2014, đoàn chuyên gia Nhật Bản đến vùng nuôi của anh Duy thuộc xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) để thăm và kiểm nghiệm (thông qua chương trình hợp tác). Họ đánh giá rong nho trồng tại địa phương phát triển tốt, chất lượng hơn “thủ phủ” rong nho thế giới ở Onikawa (Nhật Bản) nên có lời đề nghị xuất khẩu sản phẩm của công ty sang thị trường Nhật.
Sau 10 năm làm rong nho, 6 lần thất bại với số tiền thua lỗ hàng chục tỷ đồng, song không làm anh nản chí. Đến nay, anh Duy đã xây dựng nhà máy đóng gói và chế biến, công thức và quy trình sản xuất được thực hiện kỹ lưỡng, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước ngoài như HACCP, ISO, FDA… Ngoài ra, công ty anh còn có các trang trại trồng rong nho ở thị xã Ninh Hòa, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Thuận với tổng diện tích nuôi hơn 55 ha.
Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 40 tấn rong nho, trong đó có hai thị trường lớn là Nhật Bản và Mỹ; 30 tấn cho thị trường trong nước. Mỗi tháng công ty đạt tổng doanh thu hơn 6 tỷ đồng, lãi hơn 30%. Dự kiến thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường ở châu Âu, châu Á. Sản phẩm rong nho được tiêu thụ khá mạnh ở thị trường trong nước thông qua hệ thống siêu thị.
Từ mô hình nuôi trồng thử nghiệm 3 ha, hiện anh Duy đã nhân rộng quy lên 85 ha, dự kiến phát triển thêm 80 ha. Năm 2020, công ty sản xuất và chế biến rong nho của anh còn được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận kỷ lục có diện tích nuôi trồng và sản lượng thu hoạch rong nho Nhật Bản lớn nhất nước.
Vài năm gần đây, công ty của anh Duy chuyển giao công nghệ cho nhiều hộ dân ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) và bao tiêu mỗi năm khoảng 2.500 tấn sản phẩm cho các hộ nông dân trong vùng. Hiện, các hộ dân tốn chi phí đầu tư 200 triệu đồng cho mỗi ha, nhưng đem lại lợi nhuận 350 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí